Xì gà Cu ba sắp quay trở lại Mỹ
Có mặt trên 150 quốc gia và trở thành một biểu tượng của đất nước, nhưng những điếu xì gà Cuba nổi tiếng được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Ngay cả Cohiba, loại xì gà cao cấp nhất thế giới, cũng không là ngoại lệ. Trong năm 2011, doanh thu từ xì gà của Cuba đã tăng 9%, lên 401 triệu USD, nhờ nhu cầu các mặt hàng xa xỉ có xu hướng tăng trên thế giới. Nhà máy của công ty El Laguito, Havana ra đời năm 1968, với mục đích sản xuất xì gà Cohiba cho Chủ tịch Fidel Castro, quan chức và các vị khách cấp cao của đất nước. Tuy nhiên, vào năm 1982, loại xì gà này bắt đầu được bán với số lượng nhỏ và giờ đây, nó đã trở thành một trong những loại xì gà đắt nhất thế giới. Hiện nay, các khâu sản xuất loại xì gà này vẫn được giữ nguyên từ thế kỷ 19, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Những người chọn lá bọc bên ngoài điếu thuốc mỗi ngày phân loại khoảng 1.200 lá. Với kinh nghiệm của mình, họ chọn xếp các lá có cùng màu sắc, kích cỡ, độ dẻo, các đường gân lá. Lá bọc ngoài quyết định sức hút và sự hấp dẫn của điếu xì gà, yếu tố quan trọng để định giá chất lượng sản phẩm. Mỗi điếu xì gà được làm ra từ 3 lá thuốc: một lá chính, một lá phụ và một lá gắn kết. Những lá thuốc sau khi được tẩm ướp phụ gia đặc biệt sẽ được phân loại và được cuốn bởi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân trong nghề. Những người cuốn xì gà đòi hỏi phải có tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm. Họ khéo léo xếp 3 loại lá bên trong rồi bao lá bên ngoài, cuốn thật chắc tay, nhưng không quá căng hay làm rách lá, sau đó dùng keo dính đặc biệt chế từ dầu lá phong để dán liền mép ngoài cùng. Từ đó, những điếu xì gà thật mịn và tròn đều ra đời. Trung bình, một nghệ nhân có thể cuốn 100 điếu xì gà mỗi ngày.
Một hộp xì gà 25 điếu bán ở Havana, thủ đô Cuba, có giá khoảng 100 USD. Trong nhiều thập kỷ, khách du lịch Mỹ như những tay buôn lậu xì gà không chuyên, quấn bọc hàng tá hộp xì gà Cohibas và Uppmans (hai loại xì gà nổi tiếng của Cuba) mua ở Anh hoặc Mexico và giấu trong hành lý mang về nước, hy vọng hải quan không phát hiện được.
Để trừng phạt mối quan hệ Cuba-Nga trong Chiến tranh lạnh, Tổng thống Kennedy đã mở rộng lệnh cấm, hạn chế thương mại đối với Cuba tháng 2/1962. Theo đó người Mỹ không được phép mua hoặc tiêu thụ xì gà Cuba. Theo Pierre Salinger, thư ký báo chí của Kennedy, ngày 8/2/1962, tổng thống Kennedy đã yêu cầu Salinger mua cho mình 1.200 điếu xì gà Cuba để dự trữ, trước khi lệnh cấm vận kéo dài có hiệu lực. Salinger sáng hôm đó lập tức mang về cho Kennedy 1.201 điếu xì gà Petit H.Upmann, nhãn hiệu yêu thích của tổng thống Mỹ.
Giá xì gà có thể tăng đáng kể một khi Mỹ và Cuba bình thường hóa thương mại hoàn toàn, và Mỹ có thể chính thức nhập khẩu thương mại xì gà Cuba. “Nhu cầu tiêu thụ xì gà của người Mỹ sẽ nhanh chóng vượt qua nguồn cung, kết quả là, giá sẽ tăng lên”, Mitchell Orchant, giám đốc điều hành công ty bán xì gà C.Gars ở London nói.
Xì gà Cuba được ví von như là Chén thánh đối với người hút. Theo Công giáo, Chén thánh chứa đựng sức mạnh và quyền lực vô biên, ai sở hữu Chén thánh sẽ có tài năng xuất chúng. Đất nước Cuba là nơi lý tưởng để sản xuất xì gà, cũng như thung lũng Nava, bang California, Mỹ là nơi lý tưởng để trồng nho. “Sự kết hợp độc đáo của ‘mặt trời, thổ nhưỡng và kỹ thuật’ khiến xì gà Cuba là loại thuốc lá ngon nhất thế giới”, Orchant nói.
“Đối với những người hút xì gà ở Mỹ, thì xì gà Cuba từ lâu đã như một trái cấm. Các doanh nghiệp sản xuất xì gà đều ở Cuba, và xì gà ở Havana nổi tiếng xuất sắc trên thế giới”, Marvin Shanken, biên tập viên kiêm nhà xuất bản tạp chí về Xì gà Aficionado, nói. “Hôm nay đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Cuba kể từ năm 1961. Điều này không có nghĩa là lệnh cấm vận hoàn toàn kết thúc, nhưng nó đánh dấu khởi đầu mới cho việc tiến gần hơn tới bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba”.
Xì Gà Mini – Theo Vnexpress